TỔN THƯƠNG DÂY THẦN KINH - CƠ

Thứ 6 ngày 04 tháng 10 năm 2024Lượt xem: 6689

Hội chứng đường hầm xương trụ - teo cơ dọc mặt trong cẳng tay.

Hội chứng đường hầm xương trụ (Cubital Tunnel Syndrome) là sự chèn ép hoặc co kéo của dây thần kinh trụ tại khuỷu tay.

1. Giải phẫu thần kinh trụ.

Thần kinh trụ tách từ thân nhì trước trong của đám rối thần kinh cánh tay, chủ yếu là các bó sợi thần kinh từ C8 và T1. Trong hõm nách, thần kinh nằm phía trong động mạch nách, phía ngoài tĩnh mạch nách và phía sau thần kinh bì cánh tay trong.

Ở đoạn 1/3 trên cánh tay, thần kinh trụ đi phía sau trong động mạch cánh tay. Đoạn 1/3 giữa cánh tay, thần kinh trụ xuyên qua vách liên cơ và nằm trước bó giữa của cơ tam đầu cánh tay, đi xuống và nằm trong rãnh ròng rọc khuỷu. Ra khỏi rãnh ròng rọc khuỷu, thần kinh trụ tách ra nhánh vận động cho cơ gấp cổ tay trụ, nhánh này sau đó tiếp tục phân nhánh vận động cho cơ gấp sâu ngón IV và V.

Thần kinh trụ chui qua cung xơ tạo bởi bó nông và sâu của cơ gấp cổ tay trụ, đi xuống mặt trước cơ gấp sâu, xuống cổ tay. Khoảng 7 cm trên mỏm trâm trụ, thần kinh tách ra nhánh cảm giác chi phối cho bờ trụ mu tay. Động mạch và thần kinh trụ đi qua bờ ngoài xương đậu, phía trước dây chằng vòng cổ tay xuống bàn tay.

Ở nền ô mô út, thần kinh trụ chia 2 nhánh tận là nhánh gan tay nông (cảm giác) và gan tay sâu (vận động). Ở bàn tay, nhánh nông chi phối cảm giác cho ngón IV và ngón V. Nhánh vận động đi qua ô mô út và chi phối cho cơ giạng, cơ gấp ngắn và cơ đối chiếu ngón V, sau đó phân nhánh vận động cho cơ giun III và IV, các cơ liên cốt gan tay, cơ khép và bó sâu của cơ gấp ngắn ngón I, cơ liên cốt mu tay thứ nhất.

 2. Các biểu hiện của hội chứng đường hầm xương trụ.

Các triệu chứng của hội chứng đường hầm xương trụ bao gồm tê bì và dị cảm dọc theo đường chi phối của dây thần kinh trụ (ngón nhẫn và ngón út và phía trụ của lòng bàn tay) và đau khuỷu tay. Trong giai đoạn tiến triển, yếu các cơ ở trong bàn tay và các cơ gấp ngón nhẫn và ngón út bàn tay có thể xuất hiện. Yếu cơ ảnh hưởng đến việc chụm lại giữa ngón cái và ngón trỏ và khả năng nắm tay.

Bệnh nhân mắc hội chứng đường hầm xương trụ mạn tính có thể có biểu hiện bàn tay vuốt trụ. Bàn tay vuốt trụ là duỗi khớp bàn ngón và gấp các khớp gian đốt của ngón tay út và ngón nhẫn do sự mất cân bằng giữa các cơ trong và ngoài bàn tay.

3. Chẩn đoán hội chứng đường hầm xương trụ.

Chẩn đoán hội chứng đường hầm xương trụ chủ yếu dựa vào việc thăm khám lâm sàng thần kinh. Chẩn đoán điện hay còn gọi là điện cơ rất có giá trị trong chẩn đoán hội chứng đường hầm xương trụ đồng thời giúp định khu tổn thương, đánh giá mức độ nặng của bệnh, tiên lượng và theo dõi sau điều trị. Một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác cũng có thể cần thực hiện bao gồm: chụp XQ vùng khuỷu tay, siêu âm, MRI…

Phân loại mức độ lâm sàng theo McGowan:

   • Độ I: Biểu hiện dị cảm ở vùng chi phối dây thần kinh trụ, không yếu cơ hoặc teo cơ.

   • Độ II: Yếu nhẹ các cơ gian cốt hoặc teo cơ.

   • Độ III: Liệt các cơ gian cốt và yếu tay rõ rệt.

Các dấu hiệu khi thăm khám: 

 Cần phân biệt với: hội chứng lối thoát lồng ngực (Thoracic Outlet Syndrome – TOS), tổn thương rễ thần kinh C8 – D1, …

4. Điều trị hội chứng đường hầm xương trụ.

- Điều trị bảo tồn: cố định khuỷu tay ở tư thế chức năng vào ban đêm hoặc cả ngày; vật lý trị liệu; sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm; tiêm steroid tại chỗ. Các triệu chứng cải thiện dần sau 4 – 6 tuần điều trị.

- Phẫu thuật: mục đích nhằm giải phóng chèn ép của dây thần kinh trụ ở khuỷu tay,… 

ktk.vn tk