THOÁI HÓA TẾ BÀO NÃO

Chủ nhật ngày 07 tháng 05 năm 2023Lượt xem: 10532

Suy giảm trí nhớ là gì?

 

Suy giảm trí nhớ là thuật ngữ chung chỉ sự suy giảm khả năng trí tuệ nghiêm trọng đến nỗi ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Suy giảm trí nhớ không phải là một căn bệnh cụ thể.

Đó là thuật ngữ chung mô tả một loạt các triệu chứng liên quan đến sự suy giảm trí nhớ hoặc các kỹ năng tư duy khác đủ nghiêm trọng để làm giảm khả năng của một người trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Bệnh Alzheimer chiếm 60 đến 80% các trường hợp. Suy giảm trí nhớ do nhồi mạch máu não, mà vốn xảy ra sau khi bị đột quỵ, là loại suy giảm trí nhớ phổ biến thứ hai. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều điều kiện khác có thể dẫn đến các triệu chứng suy giảm trí nhớ mà trong đó một số điều kiện có thể điều trị được, chẳng hạn như các vấn đề về tuyến giáp và thiếu hụt vitamin.

Suy giảm trí nhớ thường được hiểu sai là "lão suy" hay "lú lẫn" mà vốn phản ánh niềm tin sai lệch trước đây của nhiều người rằng sự sa sút tâm thần nghiêm trọng là một giai đoạn bình thường trong quá trình lão hóa.

Mất trí nhớ và các triệu chứng suy giảm trí nhớ khác

Trong khi các triệu chứng suy giảm trí nhớ có thể khác nhau đáng kể thì ít nhất hai trong số các chức năng tâm thần cốt lõi sau đây phải bị ảnh hưởng đáng kể để được xem là suy giảm trí nhớ:

   . Ghi nhớ,

   . Giao tiếp và ngôn ngữ,

   . Khả năng tập trung và chú ý,

   . Lý luận và phán đoán,

   . Nhận thức hình ảnh.

Người bị suy giảm trí nhớ có thể gặp các vấn đề về trí nhớ trong thời gian ngắn, như khi kiểm tra tiền trong ví, thanh toán hóa đơn, lập kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn, ghi nhớ các cuộc hẹn hoặc đi lạc khỏi khu phố.

Nhiều trường hợp suy giảm trí nhớ mang tính tiến triển, nghĩa là các triệu chứng khởi phát chậm và dần trở nên tồi tệ. Nếu bạn hoặc người thân đang cảm thấy khó khăn khi ghi nhớ hoặc nhận thấy các thay đổi khác trong kỹ năng tư duy, đừng bỏ qua các triệu chứng đó. Hãy đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân. Đánh giá chuyên môn có thể phát hiện ra một căn bệnh có thể điều trị. Và ngay cả khi nhận thấy các triệu chứng suy giảm trí nhớ thì chẩn đoán sớm cũng cho phép họ nhận được những lợi ích tối đa từ các phương pháp điều trị hiện có và giúp họ có cơ hội làm tình nguyện viên cho các nghiên cứu hoặc thử nghiệm lâm sàng. Chẩn đoán sớm cũng giúp họ có thời gian để hoạch định cho tương lai.

Nguyên nhân

Suy giảm trí nhớ gây ra do tổn thương các tế bào não. Tổn thương này ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp giữa các tế bào não. Khi các tế bào não không thể giao tiếp bình thường thì suy nghĩ, hành vi và cảm xúc có thể bị ảnh hưởng.

Não có nhiều vùng riêng biệt, mỗi vùng chịu trách nhiệm về các chức năng khác nhau (vd: ghi nhớ, phán đoán và vận động). Khi các tế bào ở một vùng nào đó bị tổn thương thì vùng đó không thể thực hiện chức năng của mình một cách bình thường.

Các loại suy giảm trí nhớ khác nhau có liên quan đến các hình thức tổn thương tế bào não cụ thể ở các vùng não cụ thể. Ví dụ, ở bệnh Alzheimer, mức protein nào đó cao bên trong và bên ngoài tế bào não sẽ khiến các tế bào não gặp khó khăn trong việc duy trì tình trạng khỏe mạnh và giao tiếp với nhau. Vùng não gọi là hippocampus là trung tâm của việc học tập và ghi nhớ bên trong não, và các tế bào não ở vùng này thường là các tế bào bị tổn thương đầu tiên. Đó là lý do tại sao mất trí nhớ thường là một trong những triệu chứng sớm nhất của bệnh Alzheimer.

Trong khi hầu hết các thay đổi bên trong não gây suy giảm trí nhớ là vĩnh viễn và ngày càng trầm trọng hơn thì các vấn đề về tư duy và trí nhớ gây ra bởi các điều kiện sau đây có thể cải thiện khi điều kiện đó được xử lý hoặc giải quyết:

   . Trầm cảm,

   . Tác dụng phụ của thuốc,

   . Uống quá nhiều rượu,

   . Các vấn đề về tuyến giáp,

   . Thiếu hụt vitamin.

Chẩn đoán suy giảm trí nhớ

Hiện không có quy trình kiểm tra nào để xác định xem một người nào đó có bị suy giảm trí nhớ hay không. Bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer và các loại suy giảm trí nhớ khác dựa vào tiền sử bệnh được lưu giữ cẩn thận, khám sức khỏe, xét nghiệm và những thay đổi đặc trưng trong suy nghĩ, hoạt động hàng ngày và hành vi liên quan đến mỗi loại suy giảm trí nhớ. Bác sĩ có thể xác định một người nào đó bị suy giảm trí nhớ với mức độ tin cậy cao. Nhưng khó xác định chính xác loại suy giảm trí nhớ vì các triệu chứng và thay đổi bên trong não của các loại suy giảm trí nhớ khác nhau có thể trùng khớp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán "suy giảm trí nhớ" mà không nói rõ đó là loại nào. Trong trường hợp này, có thể cần khám bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc bác sĩ tâm lý người già.

Điều trị & chăm sóc người bị suy giảm trí nhớ

Điều trị suy giảm trí nhớ phụ thuộc vào nguyên nhân của nó. Trong hầu hết các trường hợp suy giảm trí nhớ tiến triển, kể cả bệnh Alzheimer, thì không có cách chữa bệnh cũng như phương pháp điều trị nào có thể làm chậm hoặc ngừng quá trình tiến triển. Tuy nhiên, vẫn có các loại thuốc điều trị có thể cải thiện tạm thời các triệu chứng. Các loại thuốc dùng để điều trị bệnh Alzheimer cũng là một trong những loại thuốc đôi khi được kê đơn nhằm giúp giảm triệu chứng của các loại suy giảm trí nhớ khác. Phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc cũng có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng suy giảm trí nhớ.

Cuối cùng, con đường dẫn đến phương pháp điều trị mới hiệu quả cho chứng suy giảm trí nhớ là tăng thêm kinh phí nghiên cứu và khuyến khích người bị suy giảm trí nhớ tham gia các nghiên cứu lâm sàng.

Rủi ro & phòng ngừa suy giảm trí nhớ

Một số yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền, là không thể thay đổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu tác động của các yếu tố nguy cơ khác đối với sức khỏe não bộ và phòng ngừa chứng suy giảm trí nhớ. Một số lĩnh vực nghiên cứu phổ biến nhất nhằm giảm thiểu nguy cơ và phòng ngừa suy giảm trí nhớ bao gồm các yếu tố tim mạch, tập luyện thể dục và chế độ ăn uống.

Yếu tố nguy cơ tim mạch: não được nuôi dưỡng bằng một trong những mạng lưới mạch máu lớn nhất cơ thể. Bất cứ điều gì gây tổn thương các mạch máu ở bất cứ nơi nào trong cơ thể cũng có thể gây tổn thương cho các mạch máu bên trong não, khiến cho các tế bào não mất đi lượng thực phẩm và ôxy quan trọng. Tình trạng thay đổi mạch máu bên trong não có liên quan đến chứng suy giảm trí nhớ do nhồi mạch máu não. Chúng thường xuất hiện cùng với những thay đổi gây ra do các loại suy giảm trí nhớ khác, kể cả bệnh Alzheimer và suy giảm trí nhớ do thể Lewy. Những thay đổi này có thể tương tác với nhau khiến suy giảm nhanh hơn hoặc gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Bạn có thể giúp bảo vệ não bộ bằng một vài chiến lược tương tự như chiến lược bảo vệ trái tim của bạn như – không hút thuốc; duy trì cân nặng khỏe mạnh; thực hiện các biện pháp để duy trì huyết áp, lượng cholesterol và đường huyết trong giới hạn cho phép.

Tập thể dục: tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc một số loại suy giảm trí nhớ. Bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho các tế bào não bằng cách tăng lượng máu và ôxy tới não.

Chế độ ăn uống: những gì bạn ăn có thể tác động tối đa đến sức khỏe não bộ thông qua ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tim mạch. Các bằng chứng thuyết phục nhất hiện nay cho thấy chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải cũng có thể giúp bảo vệ não. Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm tương đối ít thịt đỏ và chủ yếu gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, cá, động vật có vỏ, các loại hạt, dầu ô liu và những chất béo có lợi khác.

ktk@vn tk


>>>  Hãy liên hệ với chúng tôi  Phòng khám nội thần kinh - BS Nguyễn Tuấn Lượng  để được hưởng lợi ích từ việc điều trị sớm và điều trị đúng. Hotline:  1900 86 86 16